Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả

Trần Quang Hải (Paris, Pháp)

Website:
http://tranquanghai.info



 




Hội nghị thế giới ICTM

(International Council for Traditional Music)
lần thứ 39 tại Vienna
(Áo quốc)




Cứ mỗi 2 năm ICTM (International Council for Traditional Music - Hội đồng quốc tế nhạc truyền thống) tổ chức một hội nghị thế giới quy tụ một số lớn hội viên tại một quốc gia nào đó ở một lục địa khác nhau để cùng nhau trao đổi những thành quả nghiên cứu về tất cả bộ môn có liên hệ tới dân tộc nhạc học .

Năm 2007, hội nghị thế giới ICTM lần thứ 39 được tổ chức tại thủ đô Vienna (Áo quốc) từ 4 tới 11 tháng 07 do Ùy ban quốc gia Áo của ICTM (Austrian National Committee of the ICTM) và trường đại học âm nhạc và trình diễn nghệ thuật (University of Music and Performing Arts) tổ chức cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Viện nghiên cứu dân nhạc và dân tộc nhạc học (Institute of Folk Music Research and Ethnomusicology), Viện nhạc học của trường đại học Vienna (Institute of Musicology at Vienna University), Âm thanh viện của Hàn lâm viện khoa học Áo (Phonogrammarchiv of the Austrian Academy of Sciences, và Văn phòng Áo thuộc Unesco (Austrian Commission for UNESCO).

Một thoáng về Hội đồng quốc tế nhạc truyền thống (ICTM)

Hội đồng quốc tế nhạc truyền thống được một nhóm học giả và nhạc sĩ thành lập vào ngày 22 tháng 9, năm 1947 tại Luân Đôn (London), Anh quốc dưới một tên đầu tiên là « International Folk Music Council » - IFMC (Hội đồng quốc tế dân nhạc). Vị chủ tịch đầu tiên là ông Ralph Vaughan Williams. Những vị chủ tịch kế tiếp là các giáo sư Jaap Kunst (Hà Lan), Zoltan Kodaly (Hungari), Willard Rhodes (Mỹ), Klaus P. Wachsmann (Anh quốc), Poul Rovsing Olsen (Đan Mạch), Erich Stockmann (Đức), Anthony Seeger (Mỹ), Krister Malm (Thụy Điển), và hiện nay là bà GS Adrienne L. Kaeppler (Mỹ). Năm 1949, hội đồng IFMC là một trong những sáng lập viên của hội đồng quốc tế âm nhạc (International Music Council – IMC) của UNESCO. Hiện tại hội ICTM là một tổ chức không chính phủ (Non Govermental Organization – NGO) của cơ quan liên lạc tham vấn chính thức (formal consultative relations) với UNESCO . Xuyên qua tổng số hội viên trên 1.600 dân tộc nhạc học gia thuộc 76 quốc gia, hội đồng quốc tế âm nhạc là một sợi dây nối liền các văn hóa khác biệt và phục vụ hòa bình của nhân loại.

Ban chấp hành của hội ICTM gồm có một chủ tịch, hai phó chủ tịch, một tổng thư ký, và 9 thành viên của văn phòng chấp hành (Executive Board). Chủ tịch và hai vị tổng thư ký được bầu lại sau 4 năm nhiệm kỳ . Các thành viên được ở tới 6 năm .



Mỗi lần hội nghị (2 năm một lần) là bầu 3 người mới . Như vậy sẽ quen với công việc sau khi ở 6 năm trong văn phòng chấp hành . Xứ Việt Nam có GS Trần Văn Khê làm phó chủ tịch trong vòng 4 năm (1981-1985). GS Tô Ngọc Thanh được bầu vào văn phòng chấp hành (1999-2005), và tôi là thành viên của văn phòng chấp hành (2005-2011).

Tôi là hội viên của hội ICTM từ năm 1973 tới nay, có thể được coi là một trong số ít hội viên kỳ cựu nhất còn sinh hoạt của hội này .

Đối tượng

Đối tượng của hội ICTM là bành trướng nghiên cứu, thực tập, thu thập tài liệu, bảo trì nhạc truyền thống bao gồm dân nhạc, nhạc cổ điển, nhạc thành thị, và các điệu múa của tất cả quốc gia trên thế giới . Để đạt mục đích, hội ICTM tổ chức những hội thảo, gặp gỡ, hội nghị thế giới. Thêm vào đó, hội ICTM duy trì danh sách hội viên cập nhật, và quản lý việc chuẩn bị và phát hành niên san và nội san (2 số mỗi năm) của hội .

Nhóm nghiên cứu (Study Groups)

Nhóm nghiên cứu tổng hợp những hội viên cùng một địa hạt nghiên cứu lại với nhau . Hiện nay có những nhóm nghiên cứu sau đây:

* Folk Musical Instruments (Nhạc cụ dân gian)
* Historical Sources of Traditional Music (Sử liệu nhạc truyền thống)
* Ethnochoreology (Nghiên cứu vũ sắc tộc)
* Oceania (Quần đảo)
* Iconography (Nghiên cứu hình ảnh âm nhạc)
* Computer Aided Research (Nghiên cứu với sự hỗ trợ vi tính)
* Music and Gender (Âm nhạc và Nam /Nữ)
* Maqam (điệu thức Maqam)
* Music of the Arab World (Âm nhạc của thế giới ả rạp)
* Anthropology of Music in Mediterranean Cultures (Nhân chủng nhạc học vùng văn hóa Địa trung hải)
* Music and Minorities (Âm nhạc và dân tộc ít người)
* Music Archeology (Khảo cổ nhạc học)
* East Asian Music (Nhạc Đông Á)
* East Asian Historical Sources (Sử liệu Đông Á)
* Music of the Turkic Speaking World (Nhạc của thế giới nói tiếng Thỗ Nhĩ kỳ)
Những nhóm nghiên cứu này có những phiên họp mỗi năm và xuất bản những thành quả nghiên cứu.

Danh sách những nơi tổ chức hội nghị ICTM từ 1969

Hội nghị ICTM được tổ chức hai năm một lần . Trước 1969, hội nghị không được tổ chức chặt chẽ nên không có đề cập vào đây.

Sau đây là danh sách các địa điểm tố chức hội nghị ICTM từ năm 1969 trở đi :

1969: Edinburgh , Scotland (Tô Cách Lan)
1971: Kingston , Jamaica (Jamaica, Trung Mỹ)
1973: Bayonne , France (Pháp)
1975: Regensburg, West Germany (Tây Đức)
1977: Honolulu, Hawaii (Hạ uy di, Mỹ)
1979: Oslo, Norway (Na Uy)
1981: Seoul, Korea (Hàn quốc)
1983: New York, USA (Mỹ)
1985: Stockholm & Helsinki (Thụy Điển và Phần Lan)
1987: Berlin, East Germany (Đông Đức)
1989: Schladming, Austria (Áo quốc)
1991: Hong Kong (Hong Kong)
1993: Berlin, Germany (Đức)
1995: Canberra, Australia (Úc châu)
1997: Nitra, Slovakia (Slovakia)
1999: Hiroshima, Japan (Nhật Bản)
2001: Rio de Janeiro, (Brazil)
2003: (dời 2004 vì gà cúm) Fuzhou & Quanzhou, China (Trung quốc)
2005: Sheffield, United Kingdom (Vương quốc Anh)
2007: Vienna, Austria (Áo quốc)

Địa chỉ ICTM và trang nhà (website)

Địa chỉ hiện tại (2007) của hội ICTM ở tại Canberra, Úc châu. Địa chỉ thay đổi tùy theo xứ của ông tổng thư ký . Tôi nhớ là từ năm 1981 tới năm 2001, địa chỉ của hội ở tại Columbia University tại New York vì ông tổng thư ký của hội dạy ở trường này. Đến năm 2001, đổi ông tổng thư ký dạy ở UCLA, California, địa chỉ dời về trường đại học UCLA, California. Năm 2005, bầu ông tổng thư ký mới , người Úc , thì địa chỉ lại dời về xứ Úc .

Hiện nay văn phòng ICTM được đặt tại :
ICTM Secretariat
School of Music
Building 100
The Australian National University
ACTON, ACT
Australia 0200
Tel: 61 2 6125 1449
Fax:61 2 6125 9775
Email: [email protected]
Web: http://www.ictmusic.org
Trang nhà của hội ICTM thông báo những bản tin mới nhất về hội nghị thế giới, những sinh hoạt của các nhóm nghiên cứu, hội thảo và những sách vở dĩa hát được xuất bản gần đây của các hội viên. Hội viên có thể tham khảo trang nhà, và ghi tên tham dụ hội nghị trên mạng (on-line) hay viết thư hỏi ban thư ký của hội những thắc mắc liên hệ tới hội ICTM .

Cách tổ chức hội nghị thế giới ICTM tại Vienna (Áo quốc)

Mỗi quốc gia tổ chức định ra thể lệ xếp đặt chương trình hội thảo và du ngoạn . Xứ Áo soạn chương trình hội nghị trong một tuần từ 4 tới 11 tháng 7, 2007 nhằm mùa hè của Âu châu, và giáo sư đều nghỉ hè ở đa số quốc gia .

Chương trình với những đề tài đề nghị gồm có 5 chủ đề được chuẩn bị từ hai năm với một ủy ban gồm những giáo sư thuộc các quốc gia khác nhau và những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau để tránh sự chọn lựa độc đoán của một người . Ban tuyển lựa các bài tham luận gồm có các GS : Wim Van Zanten (Hòa Lan), Raymond Amman (Thụy Sĩ và Vanuatu), Marianne Brocker (Đức), Miguel Garcia (Á căn đình), Ursula Hemetek (Áo quốc), Jean Kidula (Mỹ), Svanibor Pettan (Slovenia), Bussakorn Sumrongthong (Thái Lan), Stephen Wild (Úc châu). Năm đề tài đó như sau :

1. Cosmologies and their relation to music and dance (Vũ trụ và sự liên hệ đối với nhạc và vũ)

2. National and regional traditions of ethnomusicology and ethnochoreology (Truyền thống dân tộc nhạc học và dân tộc vũ học quốc gia và địa phương )

3. Popular music and dance and new technologies

4. Transmission of music/dance through informal and formal education (Truyền dạy nhạc và múa xuyên qua giáo dục chính thức và không chính thức)

5. New research (Nghiên cứu mới)

Ban tổ chức hội nghị ICTM tại Vienna gồm có 6 vị giáo sư đại học, một thư ký quản lý, một phóng viên chụp hình chính thức , tất cả đều là đàn bà. Đó là một điều lạ nhất , lần đầu xảy ra trong lịch sử hội nghị ICTM.

Điểm đáng chú ý của hội nghị IFCM năm nay được ghi nhận là :

1. Số bài tham luận lên tới 400 bài (cao nhất từ trước tới nay)

2. 500 người tham dự tới từ 61 quốc gia (một kỷ lục)

Mỗi ngày có 4 xuất (9giờ - 10giờ 30, 11giờ - 12giờ30, 14giờ30 – 16giờ, 16giờ30 – 18giờ), mỗi xuất có 8 phòng với số bài tham luận từ 3 tới 4 bài cùng xảy ra cùng một lúc. Tính ra mỗi ngày có khoảng 100 bài mỗi ngày .

Năm nay Việt Nam có 3 bài tham luận trong phiên hội thảo đặc biệt về Việt Nam do tôi làm chủ tọa vào ngày thứ ba 10 tháng 7, 2007 từ 14giờ30 tới 16giờ tại phòng H.

Ngoài ra tôi còn chủ tọa một bàn tròn khác mang tên là Overtone Singing in Africa and Irian Jaya (Indonesia), và tôi có một bài tham luận với đề tài “ Discovery of overtone singing among the Dani Tribe in Irian Jaya (Indonesia) “ (Sự khám phá hát đồng song thanh của bộ lạc Dani ở Irian Jaya (Indonêxia). Một cô sinh viên chuẩn bị luận án tiến sĩ tên là Angeline Yegnan là học trò của tôi ở Pháp được tôi bảo trợ tham luận với đề tài về phương diện âm thanh học của cây đàn cung (musical bow – arc musical) của xứ Côte d’Ivoire và cô đã trình diễn trực tiếp chơi đàn cung rất được hoan nghinh với sự phụ họa muỗng của tôi . TS Dave Dargie, người khám phá hát đồng song thanh của sắc tộc Xhosa và cũng là một người bạn rất thân của tôi, đã nói về sự phát triển của hát đồng song thanh ở Nam Phi từ ngày ông khám phá ra loại hát này vào năm 1980.

Một phiên nhóm quan trọng với sự hiện diện của ông David Stehl của UNESCO với đề tài “UNESCO / ICTM and the safeguarding of living culture” (UNESCO/ICTM và sự bảo lưu văn hóa). Ngoài ông David Stehl của Unesco còn có sự góp mặt của các GS : Shubha Chauduri (Ấn độ), Beverley Diamond (Canada), Krister Malm (Thụy Điển), Anthony Seeger (Mỹ), và Stephen Wild (Úc châu). Ông David Stehl nói về đề tài “kiệt tác văn hóa phi vật thể” đã ngưng lại từ năm 2005, và được thay thế bằng một danh sách kê khai những kiệt tác âm nhạc được chấp nhận sau khi thẩm xét . Điều lệ đệ trình phải theo luật lệ của UNESCO và được một ủy ban chuyên môn cứu xét và không còn được tuyên dương như những năm trước . Bà Shubha Chauduri trình bày những công trình bảo lưu nhạc dân tộc cũng như quyền sở hữu và tác quyền về những sinh hoạt văn hóa (đại hội liên hoan nhạc dân tộc) của xứ Ấn độ trong khung cảnh sinh hoạt của WIPO (World Intellectual Property Organization - Hội Sở hữu trí thức thế giới).

Trong phần trao đổi ý kiến , TS Scheherazade Hassan, người xứ Irak (đã sinh sống tại Paris/Pháp từ 35 năm nay) bày tỏ sự đau lòng của bà khi âm thanh viện thủ đô xứ Iraq phá tan nát không còn dấu tích . Viện này từng được phong tặng là “kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại” mà ai đếm xỉa gì tới giá trị văn hóa của một dân tộc và đã dội nát đi . Cả hội trường đều xúc động và đồng ý với bà Hassan là đề nghị với UNESCO gởi người sang Iraq để làm báo cáo về âm thanh viện này còn hay mất ra sao ?

Buổi họp cáo chung của hội nghị tổng kết kết quả sự thành công qua những bài tham luận giá trị và nói lên sự đa dạng của bộ môn dân tộc nhạc học ngày hôm nay ở khắp các lục địa . Xứ Nam Phi được lựa chọn để tổ chức hội nghị ICTM lần thứ 40 tại thành phố Durban. Xứ Nam Phi có gởi một phái đoàn với nhiều nhà nghiên cứu nhạc học tới tham dự để chứng tỏ rằng xứ Nam Phi có nhiều nhà nghiên cứu nhạc cổ truyền xứ của họ . Một ông giáo sư đại diện xứ Nam Phi trình bày phong cảnh, trường đại học của thành phố Durban và sự phồn thịnh của tỉnh này với dân số trên 2 triệu người đã thu hút sự chú ý của cử tọa và tán đồng sự lựa chọn này . Ngân quỹ dự trù cho việc tổ chức hội nghị lên tới 300.000 Mỹ kim cho 10 ngày hội nghị từ 29 tháng 6 tới 8 tháng 7, 2009. Ban tổ chức Nam Phi cho biết là có sự hỗ trợ của bộ nghệ thuật văn hóa, trường đại học Durban, và một số cơ quan chính phủ. Đây là lần đầu tiên lục địa Phi châu đứng ra tổ chức một hội nghị dân tộc nhạc học to lớn như vậy .

Tôi đã từng được mời sang Nam Phi vào năm 1984 và 1997 để dự hội nghị dân tộc nhạc học thường niên (Annual Symposium for Ethnomusicology) do trường đại học Cap Town University tổ chức rất chuyên nghiệp nhưng giới hạn số người tham dự và chú trọng nhiều về nhạc châu Phi .

Ngoài chương trình hội thảo âm nhạc, ban tổ chức Nam phi còn cho biết có rất nhiều chương trình trình diễn nhạc các sắc tộc Nam phi như Xhosa, Bantu, từ nhạc cổ truyền đến nhạc pop, jazz.

Trở lại hội nghị ở Vienna, chương trình sinh hoạt âm nhạc và du ngoạn rất phong phú . Ngày đầu tiên của hội nghị có buổi tiếp tân tại tòa đô trưởng (City Hall) để tiếp các nhà nghiên cứu thế giới (5 tháng 7, 2007) với dàn nhạc sắc tộc và nhiều món ăn đặc sản của xứ Áo. Có những tiết mục như một buổi đi xem hát yodel tại một quán ăn cổ truyền “Heurigen” được thưởng thức loại rượu mới (new wine) (6 tháng 7, 2007),dạy khiêu vũ điệu waltz đặc biệt của xứ Áo ( 7 tháng 7, 2007), đi viếng thành phố Schneeberg (8 tháng 7, 2007), một vùng miền núi cao 2000m hùng vĩ và học hát yodel cùng với sự thăm viếng một viện bảo tàng nhỏ về một họa sĩ nổi tiếng của vùng đó cùng với một bữa ăn cơm Áo tại một quán ăn cổ truyền với sự hiện diện của ông thị trưởng rất cởi mở . Một nơi khác dành cho một nhóm khác là vùng Burgenland chú trọng về nhạc, vũ dân tộc và rượu. Nơi này tôi không có đi vì đã chọn đi vùng Schneeberg . Một chương trình gặp gỡ thân mật được tổ chức trong đêm giã biệt tại khu hội nghị để các nhà nghiên cứu biết chơi đàn có thể biểu diễn với nhau (11 tháng 7, 2007).

Với tư cách là thành viên của văn phòng chấp hành (member of the Executive Board) của ICTM, tôi tham dự những buổi hội thảo của ban chấp hành để giải quyết một số vấn đề tổ chức, sửa đổi điều lệ và bàn luận những gì liên hệ tới hành chính, thay đổi ban chấp hành và đề nghị những hội viên đại diện quốc gia mới . Tôi có đề nghị hai đại diện liên lạc của hai xứ Lào (Boutheng) và Côte d’Ivoire của Phi Châu) (Hien Sie). Cả hai người tôi đề nghị đều được chấp nhận làm đại diện cho hai quốc gia mới của danh sách các quốc gia đại diện.

Riêng vợ chồng chúng tôi có dịp thưởng thức các món ăn thuần túy Việt Nam tại nhà hàng “Saigon Restaurant”. Tại Vienna có tất cả là 7 nhà hàng Việt Nam và nhà hàng Saigon là sang trọng và nấu các món ăn đặc chất cơm miền Nam . Từ cách trình bày các món ăn, đến cách ăn mặc người dọn bàn theo đúng tiêu chuẩn một nhà hàng thuộc loại sang . Khách tới ăn phần nhiều là người Áo vì giá hơi mắc nhưng các món ăn rất đúng khẩu vị . Chúng tôi có dịp đi ăn cơm Nhật tại một nhà hàng Nhật do một bà người Tàu Đài loan nấu . Tuy là người Tàu nhưng cách thức làm các món sushi, sashimi, tempura đều đúng theo kiểu Nhật . Phòng ăn có bàn ngồi trên chiếu, cách trưng bày thức ăn, chén dĩa đều đúng theo phong cách Nhật . Những người dọn bàn là những cô gái Nhật , sinh viên đại học về nhạc rất nhu mì , nhẹ nhàng. Chúng tôi tới ăn gần như mỗi ngày . Tới ngày chót , bà chủ tiệm còn tặng chúng tôi một chai rượu trắng thật ngon của xứ Áo. Chúng tôi cũng có ăn cơm Tàu nhưng không ngon lắm .

Tuy bận đi dự các hội thảo , chúng tôi cũng lựa một chút thì giờ để đi viếng công viên quốc gia (Stadtpark) nổi tiếng ở Vienna . Nơi đó có bức tượng của nhạc sĩ Johann Strauss nổi tiếng qua những nhạc phẩm theo điệu Waltz mà người Việt biết nhiều với bản “Dòng sông xanh” (Le Beau Danube Bleu). Chúng tôi có đi viếng nhà âm nhạc (House of Music) ở gần công viên này . Nơi đây có trưng bày những thủ bút nhạc của các nhạc sĩ trứ danh của xứ Áo như Wolfgang Mozart, Franz Schubert, Johann Strauss, Gustav Malher, Arnold Schönberg. Có thêm vào đó nhạc bút tích của Beethoven . Cộng vào những gian phòng triển lãm các nhạc sĩ, có những phòng giới thiệu những máy móc tối tân thu thanh tiền tiến như thu âm thanh của bào thai, âm thanh nhạc techno, hip-hop,vv... Ngoài ra mình có thể tự thu tiếng nói hay hát của mình vào CD để làm kỷ niệm .Chúng tôi có đi tới dòng sông Danube chảy ngang thành phố Vienna , một dòng sông to lớn, với dòng nước xanh lơ rất hữu tình đã gợi hứng cho nhạc sĩ Johann Strauss sáng tác bài nhạc “Dòng sông xanh” lưu lại cho hậu thế . Bạch Yến có đi thăm viếng lâu đài Schönbrunn nổi tiếng của bà hoàng hậu Elisabeth, tự là Sissi .

Một chuyến đi dự hội nghị mang lại cho tôi những khám phá mới trong lĩnh vực nghiên cứu nhạc dân tộc, những cuộc gặp gỡ lại những người bạn quen từ khắp nơi trên thế giới. Có người tôi không gặp cả mấy mươi năm, có người hàng chục năm vắng bóng nay gặp lại.

Chính nhờ những hội nghị này mà tôi có dịp quen biết rất nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc và nối liền sợi dây liên lạc để có dịp trao đổi công trình nghiên cứu dân tộc nhạc học.





Trần Quang Hải (Paris, Pháp)

Website Trần Quang Hải: http://tranquanghai.info


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com